Có rất nhiều lý do để chúng ta phải đích thân bắt tay vào việc tự chụp hình cho những món ăn tại nhà hàng, khách sạn của mình:
-
Chưa có ngân sách đầu tư vào việc chụp hình món ăn
-
Bạn đang cần chụp gấp món ăn để chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông, mà thuê ekip chuyên nghiệp thì tốn khá thời gian
-
Bạn cần thêm những hình ảnh hằng ngày để cập nhật trên mạng xã hội
-
....
Đối mặt với việc này thường xuyên là vậy, thế nhưng chụp hình món ăn là một lĩnh vực đặc thù nên không phải lúc nào bạn cũng hài lòng với sản phẩm mình tạo nên. Tuy nhiên, chỉ với vài thủ thuật căn bản, những bức hình của bạn sẽ trở nên lộng lẫy hơn hẳn. Nếu bạn đang tò mò về những bí kíp ấy, hãy “ngấu nghiến và nghiền ngẫm” thật kỹ 6 điều dưới đây:
1. Ánh sáng là vua
Ánh sáng cực kỳ quan trọng trong bất kỳ bức ảnh nào. Với chụp hình món ăn, ánh sáng quyết định phần lớn sự ngon miệng của món ăn và tinh thần của bức ảnh.
Tin vui là bạn không cần đến những bộ đèn cồng kềnh và phức tạp để có bức ảnh đẹp mà chỉ cần sử dụng ánh sáng tự nhiên. Câu thần chú là kiếm ngay một cái cửa sổ trong nhà hàng của mình (tốt nhất là hướng Nam hoặc hướng Bắc) và đặt một chiếc bàn ngay cạnh đó. Yêu cầu là cửa sổ đó không bị che sáng và có kích thước vừa phải (nếu kích thước lớn thì gọi là cửa chính rồi). Hãy nhìn hình minh hoạ bên dưới để hình dung dễ hơn nhé!
Đây là thành quả của cách set up đơn giản này:
2. Sử dụng chân máy
Sau khi đã chọn được vị trí có ánh sáng lý tưởng để chụp, hãy lắp chiếc máy ảnh của bạn vào một cái chân máy. Chân máy ảnh sẽ giúp bức hình của bạn rõ nét, không bị rung nhoè. Ngoài ra, việc sử dụng chân máy giúp bạn cố định khung hình và giải phóng đôi tay để chỉnh sửa các chi tiết trong khung hình theo ý muốn.
3. Trang trí món ăn
Trước khi đưa “nhân vật chính” lên hình, bạn cần phải chăm chút lại. Một vài nguyên liệu có thể bị ngã trong quá trình mang từ bếp đến nơi chụp, các lá rau trang trí bị ố vàng, nước sốt bị lem sang thành dĩa... là những trường hợp bạn thường xuyên gặp phải và cần xử lý.
4. Bố cục – Đặt món ăn ở đâu trong khung hình?
Có rất nhiều bố cục được sử dụng trong chụp hình món ăn. Tuy nhiên, có 2 bố cục cơ bản và dễ áp dụng nhất:
-
Đặt món ăn ở chính giữa khung hình: Loại bố cục phổ biến này giúp món ăn nổi bật, uy nghi
-
Bố cục 1/3: Giả sử khung hình được chia đều thành 3 đường dọc và 3 đường ngang. Giao điểm của các đường ấy sẽ là điểm vàng để bạn đặt món ăn vào. Đây là những điểm mà mắt người thường hướng vào mỗi khi nhìn vào bức ảnh. Bố cục này thường được sử dụng nhiều nhất trong mọi thể loại nhiếp ảnh, đặc biệt là chụp hình món ăn. Đó là lý do vì sao các máy ảnh đều có chức năng hiển thị các đường kẻ trên màn hình để hỗ trợ cho người chụp hình dung được các điểm “vàng” trong khung hình.
5. Thêm vài thứ hay ho
Sau khi đã chọn được vị trí đắc địa nhất cho nhân vật chính là món ăn, bạn cần vài thứ để thêm vào khung hình cho tăng phần hấp dẫn, thẩm mỹ và tự nhiên. Đó có thể là nguyên vật liệu cấu thành lên món ăn, những món phụ ăn kèm hay đồ dùng trên bàn ăn... Một dĩa mì Ý sẽ rất bắt mắt nếu đi kèm vài trái cà chua, hay một ly rượu vang uống kèm với món beefsteak hảo hạng... Bạn có thể thêm vài thứ khác nữa để khung hình thêm phần sinh động.
Tuy nhiên, đừng nên lạm dụng quá nhiều và hãy cố gắng sắp xếp chúng thật tự nhiên và không lấn át nhân vật chính là món ăn của chúng ta.
6. Thông số máy ảnh: Khẩu độ, tốc độ, ISO bao nhiêu là đủ?
Chúng ta thường để các chế độ tự động để chụp vị luôn nghĩ chế độ M vốn chỉ dành cho những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Với chụp hình món ăn, bạn có nhiều thời gian để chăm chút và set up, hãy mạnh dạn thử chế độ M không hề khó chút nào. Có 3 yếu tố bạn cần phải quan tâm theo thứ tự (chỉ áp dụng trong chụp hình món ăn):
-
ISO: Hãy để ISO 100 hoặc 200, không chỉnh cao hơn vì ảnh có khả năng bị nhiễu (trừ khi bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh khử nhiễu tốt).
-
Khẩu độ (F): Chỉ số F càng lớn thì “xoá phông” càng ít. Ngược lại, chỉ số F càng nhỏ thì “xoá phông” mù mịt. Không phải bức ảnh nào xoá phông nhiều thì sẽ đẹp. Một số trường hợp xoá phông quá mức sẽ không thể hiện trọn vẹn được món ăn trong khung hình. Thông thường bạn để khẩu độ trong khoảng F/4.5 đến F/8.0 là hợp lý.
-
Tốc độ: Tốc độ càng cao thì ảnh càng tối và tốc độ càng thấp thì ảnh càng sáng. Bạn có thể điều chỉnh tốc độ cho đến khi nào độ sáng của bức ảnh vừa mắt là được. Vì bạn đang sử dụng chân máy nên tốc độ thấp cũng không sợ bị rung máy và làm nhoè ảnh.
Đơn vị đo tốc độ chụp trong máy ảnh được tính bằng giây. VD: “1/200” tức là một phần hai trăm giây, “2” tức là 2 giây.
Trên đây là một số thủ thuật cơ bản để bạn có thể bước vào lăng kính ẩm thực đầy thú vị.
" Tôi là Hưng, người sáng lập của Kitchen Studio. Tôi yêu thích ẩm thực và có niềm đam mê đặc biệt với việc làm đồ ăn trở nên thật ngon mắt, sống động thông qua ống kính của mình. Tôi luôn trực tiếp tham gia vào tất cả các dự án lớn nhỏ của Kitchen Studio bằng sự háo hức, tò mò để đảm bảo mọi kỳ vọng của đối tác được đáp ứng tốt nhất. "